Qua đời Hiếu_Triết_Nghị_Hoàng_hậu

Quá trình

Năm Đồng Trị thứ 13 (1874), ngày 5 tháng 12 (âm lịch), tức ngày 12 tháng 1 dương lịch năm 1875, Đồng Trị Đế băng hà, Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu đưa Thanh Đức Tông Quang Tự Hoàng đế kế vị. Do Quang Tự Đế ngang hàng với Đồng Trị Đế, nên A Lỗ Đặc thị lúc này chỉ có thể xưng là Hoàng hậu mà không phải là Hoàng thái hậu. Để phân biệt với Hoàng hậu tương lai, Lưỡng cung Thái hậu ban huy hiệu cho A Lỗ Đặc thị là Gia Thuận Hoàng hậu (嘉顺皇后)[5].

Ngày 20 tháng 2 (âm lịch) cùng năm, hơn 74 ngày sau khi Đồng Trị Đế băng, Gia Thuận Hoàng hậu cũng tạ thế vào giờ Dần tại Trữ Tú cung, thọ 21 tuổi, tạm quàn ở Long Phúc tự. Sử chép Hoàng hậu qua đời sau bạo bệnh, nhưng có thuyết cho rằng bà đã tuyệt thực đến chết hoặc bị Từ Hi Thái hậu ban rượu độc. Tuy hai người thực sự có thể có mâu thuẫn, song với tình thế Đại Thanh cung đình nghiêm ngặt, Từ Hi Thái hậu khó có khả năng chỉ vì vậy mà giết Gia Thuận Hoàng hậu, mà có khả năng rằng bà tự sát.

Đầu tiên cứ Thanh thật lục - Đức Tông thật lục ghi lại:

  • Ngày 20 tháng giêng, tầm 1 tuần sau khi Đồng Trị Đế băng, Quang Tự Đế đăng cơ ở Thái Hòa điện, đến trước Lưỡng cung Thái hậu hành lễ, lại đến Trữ Tú cung, trước mặt Gia Thuận Hoàng hậu hành lễ.
  • Ngày 18 tháng 2, Đế hầu Từ An Đoan Dụ Khang Khánh Hoàng thái hậu, Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Hoàng thái hậu đến Trữ Tú cung, thăm bệnh Gia Thuận Hoàng hậu.
  • Ngày 19 tháng 2, Đế hầu Từ An Đoan Dụ Khang Khánh Hoàng thái hậu, Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Hoàng thái hậu đến Trữ Tú cung, thăm bệnh Gia Thuận Hoàng hậu. Thân khắc, hầu Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Hoàng thái hậu thăm bệnh Gia Thuận Hoàng hậu.
  • Ngày 20 tháng 2, giờ Dần, Gia Thuận Hoàng hậu băng, tại Trữ Tú cung.

Nguyên nhân cái chết

Cái chết của bà về sau được thêu dệt rất nhiều, nổi tiếng nhất là việc bà bị chính Từ Hi Thái hậu giết hại. Tuy nhiên, khả năng này hoàn toàn không thể xảy ra, và một số lý giải được đưa ra:

  • Thứ nhất, có thuyết cho rằng Từ Hi Thái hậu là người cuối cùng đến thăm Gia Thuận Hoàng hậu, vì vậy hạ độc thủ ra tay. Tuy nhiên, cứ theo Thật lục, ngày 18 tháng ấy, Gia Thuận Hoàng hậu bệnh tình đã có vẻ trầm trọng, đến nỗi phải mời Lưỡng cung Thái hậu đến thăm. Dù sang giờ Thân ngày hôm sau, Từ An Thái hậu chưa đi, song Quang Tự Đế hầu Từ Hi Thái hậu đến thăm được ghi chép rất tỉ mỉ, chứng tỏ nội đình đi theo ghi lại rất nghiêm ngặt. Khó mà có chuyện hạ độc thủ.
  • Thứ hai, có thuyết Từ Hi Thái hậu bức bách, bỏ đói Gia Thuận Hoàng hậu cho đến chết. Loại thuyết này khó có khả năng, vì khi ấy Từ An Thái hậu còn sống, thì Từ Hi Thái hậu không thể có hành vi lỗ mãng. Bên cạnh đó, Gia Thuận Hoàng hậu chỉ là Hoàng tẩu Hoàng hậu, danh phận đã định, vị trí của Hoàng hậu không thể làm bất lợi vị trí quyền lực của Từ Hi Thái hậu.
  • Thứ ba, có thuyết nói Đồng Trị Đế còn tại thế, Gia Thuận Hoàng hậu đã mang long chủng, Từ Hi Thái hậu không đợi được bèn bức tử Hoàng hậu. Loại thuyết này càng không có cơ sở, vì Thanh đình quy định nghiêm ngặt, với hệ thống ghi chép tỉ mỉ, một cung phi mang thai hay sẩy thai đều biết và ghi lại, nói chi đến một Hoàng hậu quốc mẫu cả một đại quốc.
  • Thứ tư, lấy theo góc độ Nho gia, Gia Thuận Hoàng hậu cảm thấy tương lai bi quan vì không có hậu tự, Quang Tự Đế nhập cung, thì bà trở thành Hoàng tẩu, mất đi hoàn toàn vị thế chính trị, do vậy u uất mà chết. Cũng nhìn theo góc độ Nho gia, gia đình bà khoa bảng nhiều đời, bên cạnh đó gia đình bà cũng có truyền thống tuẫn tiết (cô tổ mẫu từng tuẫn tiết), nên có lẽ đức hạnh Tiết phụ hẳn đã ăn sâu vào tâm trí cùng nhận thức của bà, dẫn đến khả năng bà tự sát vì tuẫn tiết theo chồng.

Theo nhật ký của Ông Đồng Hòa, Gia Thuận Hoàng hậu khi đó quả thật đã có tật bệnh, lại tương đối trầm trọng và diễn ra khá lâu.

Liên quan